Chào cả nhà, nay tôi xin chia sẻ đến cả nhà một thứ hay nhất mà tôi biết được trong quá trình vận hành doanh nghiệp của mình đó là Cơ Chế Khoán và Cân Bằng Lợi Ích 3 Bên.
Nếu bạn chưa đọc các bài viết trước thì tôi để link ở đây: https://gkcsoftware.com/category/business-operation/
Bởi vì đây là bước thứ hai trong “Hành Trình Trải Nghiệm Khách Hàng” hoặc còn gọi là Cam Kết Chất Lượng sau khi khách hàng mua hoặc sử dụng dịch vụ.
1. Cơ chế khoán là gì?
Trong bài 3, tôi có đề cập đến việc làm sao để nhân sự làm việc năng suất và có động lực? Đó là khi họ được giao: Giao chức, Giao Quyền và Giao Tiền. Hôm nay tôi sẽ nói rõ hơn và hệ thống lại 1 chút về ý này.
Trong khoán có 4 thứ bạn cần phải làm rõ với mỗi nhân sự khi làm việc, đó là: Quy trình làm việc, Khối lượng công việc, Hiệu quả công việc, Doanh thu tập thể.
– Khoán Quy trình làm việc: Việc này giúp cho cả tập thể được theo thể thống nhất và phối hợp nhịp nhàng trong công việc, mỗi người biết mình ở vị trí nào, làm gì, đầu vào đầu ra là gì. Nhưng nếu cứng nhắc theo Quy trình thì cái gì cũng trình tự, phòng ban rất khó để doanh nghiệp xử lý công việc cách nhanh chóng cho khách hàng. Do đó với sinh ra thêm:
– Khoán Khối lượng công việc: Tức là trong khoảng thời gian đó phải hoàn thành 1 khối lượng công việc nhất định, điều này sẽ giúp cho nhân sự tối ưu Quy trình liên tục để giải quyết được nhiều công việc nhất có thể Nhưng làm nhiều mà làm ẩu thì cũng thua. Do đó mới sinh thêm:
– Khoán hiệu quả: Muốn làm sao thì làm, miễn sao khách hàng đầu cuối, công việc đầu cuối đạt chất lượng, như vậy mới bền và điều này sẽ làm cho nhân sự tập trung vào nâng cao hiệu suất. Nhưng như thế mỗi người cũng chỉ tập trung vào công việc của mình mà quên mất đi đội nhóm, quên đi sự giúp đỡ đồng nghiệp bên cạnh mình. Do đó sinh ra thêm:
– Khoán Doanh thu chung: mỗi việc của bạn trong tập thể, trong đội nhóm đều ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả công việc của tập thể. Vậy cần có 1 cái gì đó để kết nối nhân sự lại để cùng giúp đỡ nhau trong tập thể, đó chính là doanh thu chung. Như thế, mỗi nhân sự ý thức được, việc của mình ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả công việc chung và ngược lại người khác cũng như vậy đối với kết quả chung của mình. Như thế sẽ tạo nên được một tập thể gắn bó, đoàn kết, giúp đỡ, họ vì mục đích chung của tập thể, cũng là vì chính họ.
Ok, đến đây ta đã có 4 nội dung để khoán, tương tự như 4 gia vị để nấu ăn vậy. Nhưng không phải món nào ra cũng nêm nếm giống nhau, việc của người đầu bếp giỏi là ứng với từng món cụ thể sẽ có tỉ lệ gia vị khác nhau. Trong doanh nghiệp cũng vậy. Tùy từng vị trí công việc, tính chất công việc mà bạn đặt nặng 1 tiêu chí nào để khoán. Tôi lấy ví dụ, bộ phận sản xuát chẳng hạn, thì tiêu chí về Quy trình cần được đặt nặng, còn đối với bộ phân kinh doanh thì lại cần về khối lượng khách hàng và hiệu quả khách hàng lại cần đặt nặng hơn chẳng hạn. Cũng không khó đâu, bạn nhớ cho tôi câu này: “Ăn cây nào thì rào cây đó”. Mỗi vị trí ăn ở cây nào thì bạn rào cây đó thật chặt là được. Ở đời muôn sự của chung, ăn nhau ở chỗ khéo dùng hay không.
2. Cân Bằng Lợi Ích Các Bên
Các bên ở đây tôi muốn nhắc đến đó là: Doanh nghiệp, Khách hàng và Nhân sự. Cả 3 tạo nên 1 vòng tròn khép kín trong công việc:
– Doanh Nghiệp tạo sân chơi và luật chơi, Nhân sự nhận công việc và hoàn thành, trả ra cho Khách hàng. Khách hàng nhận giá trị và trả tiền về cho Doanh nghiệp và Nhân sự.
Đây cũng chính là Triết Lý Làm Việc của GKC là “Lợi Mình – Lợi Người – Lợi Mọi người“. Lợi mình là lợi doanh nghiệp, Lợi người là lợi nhân sự, Lợi mọi người nghĩa là lợi khách hàng, họ nhận được sản phẩm giá trị và mang đến khách hàng của họ nữa, đó chính là Lợi mọi người. Bất kỳ việc gì đảm bảo 3 bên thì làm, còn không thì thôi. Vì như thế sẽ đảm bảo cho vòng tròn khép kín và tạo ra giá trị liên tục và bền vững bằng mối quan hệ giữa các bên. Như thế mỗi người trong doanh nghiệp sẽ là một mắt xích gắn kết, chủ động và hạnh phúc hơn.
Mỗi người con người ta có 24 tiếng: ngủ 8 tiếng, sinh hoạt 8 tiếng, làm việc 8 tiếng. Ngủ chắc chắn sướng rồi, Sinh hoạt đi chơi 8 tiếng cũng sướng, còn lại là làm việc. Tôi tin rằng chỉ cần làm cho mỗi nhân sự hạnh phúc hơn trong công việc là đã làm cho cuộc sống của mỗi người hạnh phúc hơn lắm rồi.
Hy vọng một vài kiến thức nhỏ giúp bạn vận hành doanh nghiệp tốt hơn mỗi ngày. Chúc bạn ngày làm việc vui vẻ và hiệu quả!
Trí Phạm – GKC