[Vận hành doanh nghiệp]
Lần trước bạn và tôi đã cùng nhau hiểu được quy trình của vận hành kinh doanh rồi chứ, nếu chưa bạn có thể xem lại bài này nhé, tôi để link ở đây: https://gkcsoftware.com/4-giai-doan-phat-trien-cua-doanh-nghiep/
Trong giới hạn kiến thức của tôi, hôm nay chúng ta bàn với nhau 1 chút về việc quản trị nhân sự nhé.
Nào! Google tí coi xem Quản trị nhân sự là gì? Tôi đính kèm 1 tấm hình mà tôi tìm được phía dưới trong bài này. Cũng đúng đấy, nhưng thật sự tôi cũng như bạn vậy, đã từng tìm kiếm như thế và rồi không biết làm thế nào, rồi loay hoay cắm đầu đi làm Nhân sự, nào là tuyển dụng, nào là làm bảng nội quy, … Nhưng thật, tôi gọi đây là “Pháp”, tức là hành động bên ngoài thôi, sẽ không mang lại giá trị nhiều nếu bạn không hiểu được cốt lõi của của việc quản trị nhân sự là gì?
Mình chia sẻ cho bạn một số ý sau:
1. Mục đích?
– Mục đích của việc Quản trị nhân sự là “buôn người”. Hết! Hơi ngắn, nhưng nó thật!
Buôn người là việc bạn làm sao cho mỗi người trong hệ thống họ làm việc cách hiệu quả nhất trong chính vai trò của họ, và làm sao để nhân bản được những người tốt nhất trong hệ thống, đồng thời loại bỏ những thành phần tiêu cực trong hệ thống. Đó là mục đích, vậy làm sao, làm gì thì làm, miễn chúng ta trên 1 tư duy đó là được.
Và tôi cũng vừa đề cập đến 2 ý quan trọng, bạn có để ý không? Đó là: “Làm cho họ làm việc hiệu suất nhất” và “Nhân bản người tích cực, loại bỏ người không phù hợp”. 2. Làm sao để cho nhân sự làm việc hiệu suất?
Để tôi kể cho bạn một câu chuyện này nhé, ví dụ bạn cần phải ra ngoài đi mua 1 món đồ chẳng hạn, thì việc đầu tiên bạn làm là gì? Đầu tiên là tìm kiếm và xác định vị trí của cửa hàng bán đồ đúng không. Sau đó, bạn định hình trong đầu mình sẽ đi đường nào đến đó và sẽ đi đến đó bằng phương tiện gì, (gần thì đi bộ, xa thì đi xe, đi taxi, …) và bắt đầu đi. Trên đường đi, chẳng may bạn quên đường, bạn cần có 1 cái gì đó hỗ trợ mình, có thể mở điện thoại ra xem bản đồ, có thể gọi ai đó, có thể hỏi đường những người dân, … và cuối cùng, bạn đã đến được cửa hàng.
Đó cũng chính là những thứ một người cần để họ làm bất kỳ việc gì cách tốt nhất:
– Họ cần biết rõ đích đến của họ là gì: Có thể là mô tả công việc, có thể là lộ trình công danh, … nhưng lưu ý là đích đến cần phải trong tầm của họ nhìn thấy, ví dụ tầm nhìn xa 10km mà bạn nói cách đó 100km có kho báu thì tôi nói thật, bạn có đến đẩy họ, họ cũng sẽ không đi đâu. “Ông định lừa tôi à?” Ờ thì, …
– Họ cần biết cách để đi đến đích đó: Công cụ, Quy trình, Đội nhóm, … Cái này tôi gọi là kỹ năng chuyên môn để làm được việc.
– Trong quá trình đi, nếu chẳng may họ vấp ngã, lạc đường, họ cần có người đỡ họ dậy đi tiếp, chỉ đường cho họ đi tiếp. Lưu ý là đỡ và chỉ thôi nhé, chứ không phải cõng họ trên vai và đi.
Đó là 3 điều mà bất kỳ nhân sự nào cần có để làm việc được tốt, đơn giản thế thôi. Rất đời mà phải không, bản chất của con người là thế, đâu có gì cao siêu đâu.
2. Làm sao để nhân bản được những nhân sự tốt?
Việc nhân bản ở đây được hiểu là nhân bản tư duy của họ, tức là làm cho họ hiểu được cách để cho chính họ có thể làm việc tốt.
Bước 1 là ta giúp họ làm việc năng suất, bước 2 là làm cho họ trở thành hạt giống để họ giúp cho đồng đội, đội nhóm của họ cũng như vậy, đó chính là việc nhân bản. Hay còn gọi là Đào tạo nội bộ.
Để làm việc đó, tôi thường dùng cách sau, bạn có thể tham khảo.
– Trong đào tạo tôi chia thành 4 tầng sau: “Chửi”, Chỉ, Dẫn, Làm mẫu.
++ Đầu tiên, nếu một nhân sự không làm việc được thì chửi, chửi ở đây không phải là đay nghiến, chửi vì sự tức giận đâu nhé, mà tôi để chữ “chửi” trong ngoặc kép, tức là khơi gợi vào mục đích mà khi bắt đầu làm công việc đó. Cách này đối với những người đã có chuyên môn cao, có thể trong giây phút nào đó mà họ bị lệch khỏi đường đi thôi, vì việc của mình là kéo họ lại đường để họ đi tiếp là được.
++ Nếu chưa được thì dùng Chỉ, tức là họ đã lên quay lại đường rồi mà vẫn không biết đường nào thì hãy chỉ cho họ con đường đúng, chỉ cho họ cách để họ làm là đủ.
++ Nếu vẫn chưa được nữa thì dùng Dẫn, tức là tôi và bạn cùng đi, cùng làm. ++ Mà vẫn chưa làm được nữa, thì thôi tránh ra một bên, nhìn tôi làm đây này, làm mẫu 1 lần rồi XÓA đi, họ làm lại, tuyệt đối không làm thay nhé.
++ Không được nữa thì đành chia tay bớt đau khổ vậy, và mình cũng không áy náy vì đã cố gắng hết sức rồi và nhân sự họ cũng không trách được ai vì chính họ cũng nhìn ra được vấn đề. –
Trong giao việc, tôi hay gọi là 3 giao: Giao chức, Giao quyền và Giao tiền
++ Giao chức: giao vai trò, giao trách nhiệm, giao mục tiêu.
++ Giao quyền: giao quyền hạn, giao công cụ.
++ Giao tiền: giao lợi ích.
Và khi nhận được các nội dung trên, tôi tin bất kỳ nhân sự nào cũng có thể hoàn thành tốt công việc trong khả năng của mình.
Hy vọng một vài kiến thức nhỏ giúp bạn vận hành doanh nghiệp tốt hơn mỗi ngày. Chúc bạn ngày làm việc vui vẻ và hiệu quả!
– Trí Phạm – GKC Software https://gkcsoftware.com